Học viên tập lái trên xe có gắn thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe - Ảnh: SONG KHUÊ
Câu chuyện "đoạn trường" học và thi bằng lái ô tô tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của bạn đọc VÂN THANH, kể về chuyện học và thi bằng lái ô tô ở Pháp.
Người nhà dạy lái, không buộc phải học trung tâmNhững quy định mới về học và thi bằng lái ô tô tại Việt Nam ngày càng khó nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực. Tuy nhiên trình độ, hiệu quả, kỹ năng lái xe hay tính thực tế, an toàn là chuyện phải bàn.
Trước hết là về chi phí. Có lẽ hiện không phải ai cũng có thể học và sở hữu tấm bằng lái ô tô khi chi phí lên đến vài chục triệu đồng. Nhiều người sau khóa học tại các trung tâm dạy lái xe chuyên nghiệp vẫn chưa đủ khả năng dự thi, phải học đi học lại rất tốn kém.
Việc tự học lái xe với người thân gần như không thể vì không có không gian thực hành, còn chạy trên đường phố thì vi phạm luật giao thông.
Người tự học lái xe cũng không đủ điều kiện đăng ký xin dự thi cấp bằng lái, mà phải có chứng chỉ hoàn thành khóa học từ các trung tâm.
Ở Pháp, nơi tôi học và lấy bằng lái xe 2 năm trước, nếu bạn có người thân đã có bằng lái đủ 5 năm trở lên thì được quyền hướng dẫn bạn lái xe. Tuy nhiên người thân của bạn phải đến một trung tâm lái xe dự khóa học bồi dưỡng kỹ năng dạy lái chỉ trong một giờ đồng hồ.
Sau đó được cấp giấy chứng nhận nhằm hợp thức hóa việc hướng dẫn dạy lái xe và chạy trên đường. Tất nhiên xe phải dán giấy là "xe tập lái".
Người tự học lái xe vẫn có thể là thí sinh tự do dự thi sát hạch bằng lái, nhưng phải thông qua một trung tâm dạy lái xe để thuê xe và người hướng dẫn.
Có thể nói những quy định này nhằm giảm bớt gánh nặng cho người học và thi lái xe, bởi thực tế có nhiều người kém kỹ năng phải học hàng chục tiếng đồng hồ rất tốn kém.
Gặp sự cố, tai nạn không dừng thăm hỏi, bị trừ điểm khá cao
Ở Pháp, trung tâm dạy lái xe nào cũng có cabin điện tử nhưng không bắt buộc phải học. Bài tập cabin chỉ nhằm làm quen cảm giác lần đầu lái xe, chứ không nặng tính kỹ năng hay an toàn. Khi tôi đến trung tâm đăng ký học, họ hỏi tôi có từng lái xe chưa, tôi bảo đã học lái được 3 giờ ở Việt Nam thì họ bỏ ngay bài tập với cabin.
Do đó việc buộc tất cả các học viên phải thực hành 3 giờ trên cabin là không cần thiết, vì không ít người đã khá thành thục cảm giác lái xe thật.
Bên cạnh đó việc thực hành chỉ tiêu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe) hàng trăm km đường trường cũng cần xem lại tính cần thiết của nó.
Ở Pháp chỉ cần có mức thực hành tối thiểu 13 giờ là đủ tiêu chuẩn dự thi.
Tôi thấy việc học và thi lái ô tô ở Việt Nam còn nặng tính lý thuyết, hình thức, mô phạm. Trong khi ở Pháp và nhiều quốc gia khác đặt nặng tính thực tiễn, ý thức và đạo đức lái xe. Không có chuyện thi lái sa hình khô cứng, khuôn mẫu, mà hoàn toàn là những bài thi thực tế trên đường.
Không hề có một kịch bản trước, mà suốt 30 phút thi lái hoàn toàn dựa theo "cảm hứng" của vị giám thị. Tất nhiên họ rất khéo léo để bạn trải qua đủ cung bậc thử thách trên đường, cả việc đưa bạn vào cao tốc với tốc độ trên trăm km/h.
Tính thực tiễn khi thi rất cao, đặc biệt có rất nhiều lỗi trực tiếp nếu phạm phải thì dừng ngay cuộc thi. Nếu thấy có người vừa bước chân xuống vạch đi bộ hay bảng "stop" đặt tại giao lộ không có đèn tín hiệu mà vẫn chạy tà tà không dừng xe hẳn là... rớt ngay.
Thậm chí khi phát hiện xe gặp sự cố hay tai nạn mà không dừng thăm hỏi cũng bị trừ điểm khá cao. Nói chung những bài thi trên đường là hết sức thiết thực, tích lũy nhiều bài học quý báu cho người lái xe.
Ngay chi tiết nhỏ như bài thi lùi xe ở Việt Nam khống chế thời gian thì ở Pháp lùi bao lâu cũng được miễn... an toàn, vì thực tế có lùi nhanh như khi thi hay có ai hối bạn đâu?!
Biết rằng thực tế môi trường giao thông mỗi nơi mỗi khác, nhưng mục đích cuối cùng là nâng cao tính thực tiễn, hiệu quả, an toàn... cũng như tạo điều kiện tốt hơn, dễ dàng hơn cho mọi người trong việc học và thi bằng lái ô tô.